Tổng Quát Bức Tranh Du Học Úc

Bài viết tổng hợp tất tần tật những thông tin cần thiết cho những bạn lần đầu tìm hiểu về du học Úc.
Xin chào! Tôi là Xuyên Lê – nhà sáng lập team Du học Ngân Hà Xanh.
Nhân dịp cuối năm, có một chút thời gian rỗi nên tôi đã search rất nhiều bài viết tổng quát về du học Úc để đọc. Tuy nhiên, những thông tin tôi đọc được đều khá chung chung và chưa được hệ thống lại rõ ràng.
Thế nên, với bài viết này, tôi sẽ cố gắng hệ thống và viết đơn giản để các bạn nắm bắt gần như tổng quát về bức tranh du học Úc. Tuy nhiên, vì độ rộng kiến thức nên bài viết sẽ khá dài, các bạn có thể từ từ đọc hết hoặc tìm đến phần mình quan tâm. Nếu muốn giải đáp trực tiếp, tôi có để thông tin liên hệ ở cuối bài để các bạn nói chuyện thêm
Phần 1 – Chọn bậc học nào ở Úc?
1. Hiểu về các bậc học ở Úc
Tôi nghĩ điều này nhiều bạn biết, nhưng vẫn phải nhắc lại để các bạn có góc nhìn bao quát về các bậc học ở Úc hơn. Nhìn chung, hệ thống giáo dục của Úc được phân ra thành những bậc học sau:
- Trung học
- Dự bị đại học
- Cao đẳng (pathway)
- Nghề
- Cử nhân
- Thạc sĩ
- Tiến sĩ
Cụ thể thông tin về chương trình và những điều kiện đầu vào:
2. Lựa chọn bậc học nào cho phù hợp?
Việc lựa chọn bậc học phù hợp còn phải dựa vào điều kiện riêng của mỗi người. Tuy nhiên, có một điểm chung cần phải ghi nhớ, là chọn bậc học nào cũng cần phải phù hợp với lộ trình học tập mà bản thân mong muốn.
Nói thẳng ra, bạn phải biết: mục đích đi học là gì, khi nào thì bạn đi, định hướng tương lai rồi còn nhiều nhiều điều bạn phải xác định được trong cái lộ trình du học đó.
Tôi biết, định hướng bao giờ cũng khó hơn thực thi, nhưng phải định hướng tốt thì thực thi mới tốt được. Nếu bạn còn đang mù mịt trên bản đồ bao la của du học Úc thì ngay lập tức hãy tìm đến ‘tấm la bàn’ là những người tư vấn du học uy tín. Họ sẽ giúp bạn thoát ra khỏi mớ bòng bong hiện có.
Quay trở lại với tìm bậc học, lựa chọn phù hợp sẽ dựa vào những yếu tố sau:
1 – Bậc học hiện tại ở Việt Nam
2 – Học lực và điểm GPA (với Úc thì trường sẽ xét GPA của 2 năm gần nhất)
3 – Trình độ tiếng Anh
Đây là 3 điều tôi thường hỏi khi bắt đầu câu chuyện tư vấn du học. Để tư vấn cho bạn thật tốt, tìm ra một hướng đi phù hợp nhất thì những thông tin này của bạn cần chính xác và rõ ràng.
Bậc học nào là lý tưởng nhất?
Học sinh đi du học thường có 2 mục đích chính: Thứ nhất là đi học rồi trở về Việt Nam và thứ hai là đi du học để định cư.
Tôi sẽ tạm không nói nhiều về mục đích thứ nhất mà tập trung vào cái thứ hai.
Theo kinh nghiệm, nếu có đủ tài chính thì lý tưởng nhất là nên đi học từ bậc Trung học. Bởi khi đó bạn sẽ được tiếp xúc sớm với tiếng Anh, tăng khả năng tư duy, rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết từ rất sớm.
Nếu tài chính chưa ổn, bạn vẫn có thể bắt đầu với Đại học. So với Thạc sĩ thì tôi tin đi học sớm từ Đại học sẽ lý tưởng hơn nhiều, cả về thời điểm, cơ hội nhập học và việc làm sau này. Có một câu chuyện tại các doanh nghiệp Úc, mà tôi nghĩ mình phải kể cho các bạn nghe. Giữa ứng viên có bằng Cử nhân và bằng Thạc sĩ, họ sẽ ưu tiện chọn Cử nhân, hơn là Thạc sĩ, vì cùng với 1 công việc, công ty sẽ ưu tiên chọn ứng viên chỉ phải trả mức lương và đãi ngộ thấp hơn.
Nói như vậy không phải bằng Th.sĩ không được trọng dụng nhé các bạn. Không, không, chỉ cần bạn học tốt, có các công trình nghiên cứu được công nhận thì bạn hoàn toàn xin được công việc tốt (đương nhiên mức lương sẽ cao hơn với cử nhân). Và con đường nghiên cứu chuyên sâu và học lên tiếp Tiến sĩ sau này cũng rộng mở hơn.
Tóm lại, nếu background của bạn khá, có tài chính thì đi học từ Trung học. Cần thêm thời gian để chuẩn bị tài chính thì đi từ Đại học, Thạc sĩ. Và Thạc sĩ thì điểm đầu vào và học phí sẽ cao hơn, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Quan trọng là phải phù hợp với kế hoạch và lộ trình của bạn trong tương lai.
Phần 2 – Học ngành nào? Trường nào ở Úc?
Bạn biết đấy, sau khi xác định bậc học thì tiếp theo là ngành học. Và với ngành học thì tôi sẽ bắt đầu với 6 tiêu chí:
1 – Ngành đang học tại Việt Nam
2 – Học lực và điểm GPA
3 – Mong muốn của bản thân
4 – Trình độ tiếng Anh
5 – Tài chính của gia đình
6 – Có nằm trong danh sách ngành nghề định cư (nếu bạn quan tâm đến du học định cư thì phải biết tiêu chí này)
Tìm được câu trả lời thỏa mãn 6 gạch đầu dòng phía trên tức là bạn đã tìm được ngôi trường phù hợp với điều kiện của mình. Nếu trước nay bạn vẫn đang tìm ngành, chọn trường một cách ngẫu hứng thì nên dừng lại. Chịu khó suy nghĩ về 6 tiêu chí này, bạn sẽ không còn bị hoang mang và rối rắm giữa hàng trăm ngành học và trường học nữa.
Tôi từng tạo 1 topic hỏi về các ngành được học sinh quan tâm trên các group trao đổi du học Úc. Qua thống kê, tôi nhận ra 10 ngành được quan tâm nhiều hiện nay:
1 – Quản trị nhà hàng khách sạn – Hospitality
2 – Quản trị kinh doanh – Business Administration
3 – Công tác xã hội – Social work
4 – Dược và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng – Pharmacy & Public Health
5 – Quản lý chuỗi cung ứng – Supply chain management
6 – Kinh doanh quốc tế – International business
7 – Kế toán – Accounting
8 – Kỹ sư môi trường – Environmental Engineering
9 – Truyền thông – Communication
10 – Giáo dục – Education
Ngoài ra còn rất nhiều ngành hay như Khoa học máy tính, Graphic Design,… nhưng tôi xin phép chỉ liệt kê bấy nhiêu. Còn phân tích chi tiết từng ngành nghề thì xin hẹn bạn ở những bài viết dài hơi sắp đến
Phần 3 – Chi phí học tập
Đã đi du học, dù là bậc học nào cũng phải chuẩn bị tài chính. Còn nhiều bạn tài chính chưa vững, dự định qua bên đó vừa đi học vừa làm thêm. Suy nghĩ này không sai, nhưng sẽ là rủi ro nếu như chỉ một mình bạn tự bươn chải giữa nơi phố thị Úc.
>> Du Học Úc Chi Phí Hết Bao Tiền? Làm Thêm Có Đủ Chi Trả Hay Không?
Trong 3 bậc học chính, thì trung học Úc có học phí thấp nhất, tiếp đến là Đại học và cao nhất là học Thạc sĩ.
Học phí các trường học ở Úc cũng phân thành nhiều loại. Trường có ranking cao đương nhiên học phí sẽ cao, và các học viện (College) học phí sẽ thấp hơn trường đại học (University).
Tôi sẽ tính toán giúp bạn trung bình chi phí học tập và sinh hoạt phí trong 1 năm tại Úc:
Mức chi phí này có thể thêm, bớt tùy từng trường, chương trình học và khả năng xin học bổng của bạn. Như ngành Quản trị khách sạn nhà hàng có những trường cho phép sinh viên được thực tập hưởng lương trong lúc học. Mức lương khá cao, tầm 30$/h, bạn sẽ thực tập trong 2 kỳ, tối thiểu là 1200 h. Tính ra thì bạn có thể sẽ kiếm được 80tr VNĐ /tháng, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế vừa giúp ‘nhẹ gánh’ chi phí cho bố mẹ rất nhiều.
Tôi biết bạn đang phấn khích, và tôi cũng phấn khích khi chia sẻ thông tin này. Nhưng cũng phải tỉnh táo lại, trước tiên là phải đủ điều kiện để được nhập học đã, rồi vui mừng sau cũng chưa muộn. Chung quy cũng quay về học lực và tiếng Anh. Hai điểm số này sẽ quyết định mức học phí của bạn tại Úc. Mà Úc có rất nhiều trường rộng rãi trong chính sách chiêu mộ người tài. Miễn là bạn giỏi, bạn học tốt thì họ sẵn sàng trao tặng những học bổng ‘hẫu hĩnh’ trong suốt thời gian học.
Phần 4 – Visa và các thủ tục liên quan
Visa hay còn gọi là Thị thực nhập cảnh – giấy tờ quan trọng khi công dân nước ngoài muốn nhập cảnh vào một quốc gia bất kỳ. Hay dễ hiểu hơn, visa chứng minh cho bạn được phép ‘đặt chân’ đến quốc gia đó. Trường hợp du học Úc, bạn sẽ cần thuyết phục Lãnh sự quán cấp visa cho mình.
1. Bộ hồ sơ xin visa sẽ có những gì?
– Giấy tờ nhân thân
– Hồ sơ học tập
– Hồ sơ từ trường
– Hồ sơ tài chính
Trong mỗi phần hồ sơ sẽ cần có những giấy tờ chi tiết hơn, team Ngân Hà Xanh đã tổng hợp ở một bài viết trước. Dù bạn quyết định tự làm hồ sơ hay có người tư vấn thì cũng nên đọc kỹ để biết. Ta đã bỏ rất nhiều công sức để chọn ngành, chọn trường, xin đủ các loại giấy tờ từ trường thì giai đoạn quyết định này cũng phải thật cẩn thận nhé.
>> Giấy tờ hồ sơ visa du học Úc
2. Thông tin visa du học Úc?
Visa được cấp cho du học sinh quốc tế tại Úc là Visa Subclass 500.
Những điểm chính cần ghi nhớ về loại visa này:
– Du học sinh sẽ được cấp visa trong toàn bộ khóa học và tối đa là 5 năm.
– Visa sẽ được cấp thêm từ 2-3 tháng sau khi khóa học kết thúc để sinh viên có thời gian chuẩn bị cho kế hoạch sắp tới hoặc xin một visa khác. Riêng chương trình Thạc Sĩ nghiên cứu và Tiến sĩ sẽ được cấp thêm đến 6 tháng.
>> Tổng hợp thông tin và kinh nghiệm cần biết về Visa Úc
3. Thông tin về việc xét duyệt hồ sơ visa của Lãnh sự Úc?
Lãnh sự quán Úc là một bộ máy khép kín mà không một ai biết được. Nếu bạn có vô tình đọc được những quảng cáo như ‘có người quen làm trong Lãnh sự Úc giúp hồ sơ được duyệt nhanh hơn’ thì hãy cẩn thận. Đó là những lời ‘ru ngủ’, hấp dẫn nhưng không đem lại kết quả.
Tôi đã làm hồ sơ du học Úc trong 9 năm, sau rất nhiều bộ hồ sơ thành công và cả thất bại, đã đúc kết ra một số kinh nghiệm mà chắc chắn chưa nhiều người nói đến. Và tôi viết những dòng này ra đây, trong trường hợp Việt Nam vừa được xét nâng hạng lên hạng 2 trong chính sách SSVF. Nếu sau này có những thay đổi về chính sách, tôi sẽ lại cập nhật cho các bạn.
Trường hợp được duyệt:
Hồ sơ của Úc có thể nộp online và không cần đến trực tiếp Lãnh sự quán để nộp như các quốc gia khác. Nếu hồ sơ tốt, được giải trình hợp lý thì trong 2-3 tuần, bạn sẽ nhận được email Visa Grant Notification, xác nhận bạn đã được cấp visa.
Đôi khi, nhiều trường hợp được Lãnh sự cấp visa rất nhanh. Kỷ lục, tôi từng xin được visa Úc cho 1 bạn học sinh chỉ trong 1 đêm. Nói vậy để các bạn thấy, chuẩn bị hồ sơ tốt, giải trình hợp lý thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Trường hợp chưa được duyệt:
Lại là một câu chuyện không ai mong muốn. Trường hợp trong 2-3 tuần bạn không nhận được thư chấp thuận cấp visa, thì một là sẽ được Lãnh sự gọi phỏng vấn, hai là được yêu cầu bổ sung chứng minh tài chính. Tôi dùng từ ‘được’ chứ không phải là ‘bị’. Vì 2 yêu cầu này đều nằm trong quy trình xét duyệt. Có ra sao chăng nữa thì ta hãy cứ chủ động tiếp nhận, sẵn sàng để xử lý bạn nhé.
TH1: Yêu cầu phỏng vấn
Lãnh sự quán sẽ gọi điện cho bạn một cách bất ngờ nhất có thể. Trong trường hợp không tiện nghe điện thoại, đi ngoài đường, bạn có thể xin dời thời gian phỏng vấn. Nhưng đừng trông mong quá nhiều. Lãnh sự vẫn sẽ gọi điện ngẫu nhiên cho bạn, vì họ không muốn bạn được chuẩn bị trước.
Lời khuyên của tôi trong trường hợp này là lưu sẵn số của Lãnh sự trong điện thoại. Khi được gọi sẽ không bị ngạc nhiên. Đã có nhiều trường hợp vì được gọi đến bất ngờ nên luống cuống, trả lời không rành mạch. Suy cho cùng, phải tự tin và sẵn sàng mọi thông tin thì bạn mới mong thuyết phục Lãnh sự quán được.
TH2: Bổ sung chứng minh tài chính
Lãnh sự sẽ gửi cho bạn email thông báo bổ sung chứng minh tài chính nếu họ thấy cần thiết. Khi đó, bạn vẫn tiếp tục nộp online mà không cần phải đi đâu hết. Cái tiện của nộp hồ sơ du học Úc là đây.
Nhưng…
Thời gian này nhiều bạn chắc đang ‘thả lỏng’ vì VN đang nằm trong nhóm không cần chứng minh tài chính. Nhưng quan điểm của tôi thì vẫn nên chuẩn bị như thường. Vì đâu ai biết chắc trường hợp của mình sẽ không bị yêu cầu chứng minh tài chính. Rõ ràng, xác suất bị yêu cầu vẫn luôn hiện hữu trước mắt chúng ta. Nên tôi thà cho học sinh chuẩn bị phòng hờ, còn hơn là đợi đến lúc cần thì ‘trắng tay chịu trận’.
Phần 5 – Điều cần biết về định cư
Như đã nói, định cư là mục đích mà nhiều du học sinh hướng đến khi sang Úc du học. Tuy nhiên, để được định cư là cả một quá trình dài, và chính sách xét duyệt thì được thay đổi theo từng năm.
Chính phủ Úc xét duyệt định cư dựa trên thang điểm. Nếu hồ sơ của bạn đạt từ 60 điểm trở lên thì đủ điều kiện xin xét duyệt cấp Thẻ PR – gọi là thẻ thường trú nhân, hiểu nôm na thì khi có tấm thẻ này, bạn gần như hoàn tất 99% việc định cư. Bạn sẽ được cấp passport Úc, được hưởng các chính sách như một công dân Úc. Từ medicare, giáo dục, nhà cửa… đều được hỗ trợ, chỉ thiếu một quyền duy nhất là quyền bầu cử.
Bàn về chính sách và quyền lợi định cư là như vậy. Nhưng không nhiều người có thể giúp bạn làm hồ sơ định cư du học. Chỉ luật sư được cấp quyền hợp pháp tại Úc mới được tư vấn định cư cho bạn. Tức là không một agent tư vấn du học nào tại Việt Nam được Úc cấp phép. Nếu cần, bạn chỉ nên nhờ đến agent có văn phòng hoặc liên kết trực tiếp với luật sư tại Úc. May mắn thay, trong 9 năm làm hồ sơ Úc, tôi được hợp tác với nhóm luật sư tại Úc để hỗ trợ học sinh kịp thời chuẩn bị hồ sơ định cư.
Vậy nên, nếu đã hiểu được bản chất của xét duyệt định cư và quyết tâm đi thì tôi khuyên bạn nên tập trung vào những điều này:
1. Đi càng sớm thì cơ hội định cư càng cao.
Úc sẽ tính toán số năm bạn sinh sống tại đất nước của họ để cộng điểm khi xét định cư. Số năm cao sẽ tỉ lệ thuận với số điểm được cộng vào. Nếu bạn đã xác định định cư theo con đường du học thì nên quyết định và chuẩn bị từ bây giờ. Bởi mỗi năm, Luật sẽ thay đổi rất nhanh mà chúng ta thì đều phải dựa vào Luật.
2. Muốn định cư thì phải tìm được việc làm.
Dù ở quốc gia nào, cuộc sống của bạn cũng cần công việc. Ở lại một quốc gia có mức sống cao như Úc thì bạn càng phải có một công việc tốt và thu nhập ổn định. Mà có lẽ, bạn đi du học cũng là vì mong muốn này mà.
Chính sách định cư của Úc có rất nhiều diện, cũng tức là có rất nhiều con đường dành cho bạn.
Nhưng một con đường tốt không phải là bạn bất chấp mọi thứ để được định cư. Tôi cho như vậy là mù quáng. Điều quan trọng là phải định hướng bài bản, rõ ràng và phù hợp nhất trong trường hợp cụ thể của từng người. Trước mắt là tìm được ngành học yêu thích, ngành có cơ hội xin việc cao, để sau khi tốt nghiệp xin được việc, sẵn sàng cống hiến và gắn bó. Còn hơn là bất chấp mọi giá để định cư nhưng không kiếm được việc. Cuộc sống sau này sẽ chẳng thể đi đâu về đâu. Cuối cùng chỉ là phung phí thời gian và tiền bạc mà thôi.
Chốt lại
Du học là ước mơ chính đáng của mỗi người, nhưng ước mơ ấy cần xây nên từ sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng. Việc tham khảo từ người đi trước hoặc tư vấn là cần thiết. Tôi viết ra đây mấy dòng dựa vào kinh nghiệm của mình. Mong các bạn đọc và ghi chú vào sổ tay của mình. Nếu có những câu hỏi chi tiết về ngành học, trường học thì có thể điền vào form: www.nganhaxanh.com/form/
Hoặc liên hệ tôi qua facebook Xuyên Lê: https://www.facebook.com/xuyenlenhx