Du Học Úc Chương Trình Tiếng Anh Bao Gồm Những Gì?

Chia sẻ một số kinh nghiệm mà mình đã trải qua khi học được 4 tháng chương trình tiếng Anh của Griffith Úc.
Đầu tiên, khi sinh viên đến GELI, họ sẽ được tập trung để làm một buổi orientation, trong đó các nhân viên của GELI sẽ thông báo cho sinh viên một số quy định ở GELI, chỉ dẫn một số building, thư viện, nhà sách, cách thức mua vé xe buýt, nhà ở…. (tùy yêu cầu của từng sinh viên).
Sau đó thì sinh viên sẽ được xếp vào từng lớp, mỗi lớp khoảng 16 – 18 người. Chương trình học chia làm 2 giai đoạn:
Lớp Dep Prep: 5 tuần đầu: học tổng quát về các Châu lục, bao gồm học văn hóa, địa lý. Nhưng cái hay là họ lồng các điểm ngữ pháp và các phương pháp summarising hoặc paraphrasing vào để sinh viên vừa có kiến thức xã hội, vừa thực hành môn viết. Trong lúc học, dĩ nhiên là có những kỹ năng take note, nghe, presentation. Sinh viên cũng phải làm assignment để được tính điểm A, B, và điểm này cộng dồn để biết có được lên lớp không. Trước khi kết thúc 5 tuần đầu tiên, sinh viên có thi final, viết luận, nói chung không khó, giống viết của IELTS, nhưng bên đây họ không yêu cầu mình viết gò bó như IELTS, mà ngược lại viết rất thoáng, không cần dùng những cụm từ của IELTS. Sau khi thi final xong là khoảng 2 ngày sau sẽ biết mình có lên lớp hay không.
Lớp Dep: 10 tuần sau: học chuyên sâu hơn và cực hơn. Chương trình gồm 4 môn: viết báo cáo, nghị luận xã hội, critical thinking (không biết dịch thế nào) và ngữ pháp.
Viết báo cáo: (gọi là môn RP): sinh viên sẽ được học về cách sử dụng hệ thống reference APA hoặc Harvard. Sau đó giáo viên sẽ hỏi chuyên ngành của sinh viên, và đưa cho mỗi người mỗi chủ đề khác nhau để nghiên cứu, yêu cầu cuối cùng là sinh viên phải nộp luận 2000 chữ về đề tài đó. Trong lúc nghiên cứu thì giáo viên hướng dẫn sinh viên cách tìm tài liệu trên mạng, thư viện; cách take note, cách lấy thông tin để hỗ trợ cho bài viết của mình. Theo mình thì môn này rất hay…
Nghị luận XH (gọi là I.S): sinh viên cho đọc nhiều vấn đề liên quan đến xã hội Úc, và phải bàn luận trên diễn đàn online, đưa ra ý kiến của mình, sau đó giáo viên chấm điểm A, B. Môn này đối với mình là rất khó, vì có nhiều vấn đề XH khiến mình không hiểu nhiều, mình rất lúng túng; nhưng khi học cũng may là có bạn bè và thầy cô nên cứ không hiểu thì hỏi họ để biết rõ hơn. Trước khi kết thúc môn, sinh viên được nhóm lại thành nhiều nhóm khác nhau và cùng debate về 1 chủ đề nào đó. Hoạt động này rất hay, nhưng cũng rất “khắc nghiệt”…
Critical thinking: môn này rất lạ với sinh viên VN. Đến giờ mình cũng không thể giải thích rõ, chỉ biết là sau khi học môn này thì sinh viên được trang bị những kỹ năng như: khi tìm hiểu bất cứ vấn đề nào, bạn cũng phải nhìn nó ở nhiều góc độ khác nhau, phải đào sâu suy nghĩ, phải tự đặt câu hỏi, phải thắc mắc…. Trong quá trình học môn này thì sinh viên phải có pair presentation với 1 sinh viên khác, chủ đề present sẽ được giáo viên giao, và nội dung cực kỳ sâu sắc, không thể present một cách qua loa, mà phải nghiên cứu, tìm tài liệu support cho đề tài của mình. (Học ở nước ngoài, họ rất chú trọng về vấn đề tài liệu, chứ mình không thể đưa ra quan điểm của mình mà không có bất cứ evidence nào để chứng minh)
Môn ngữ pháp (gọi là môn LU): mỗi tuần sinh viên đều phải viết 1 bài essay tại lớp. Theo mình thì môn này hay vì sau khoảng 3 lần viết thì mình đã tiến bộ một cách rõ rệt và không ngại môn viết nữa, ngược lại bây giờ mình yêu môn viết lắm luôn (vì được cô giáo khen hoài đó mà hihi).
Cả 4 môn trên, ngoài những điểm A, B trong quá trình học, thông qua essay, debate, present hoặc forum online, thì sinh viên cần phải thi cuối khóa cho từng môn. Điểm cuối khóa là chiếm 60%, còn trong thời gian học là 40%.
Mình sẽ nói về hình thức thi final nhé:
– Môn viết báo báo (RP): sinh viên được giao cho 2 hoặc 3 bài đọc, đem về nhà, tự take note, và hiểu. Sau đó vô phòng thi, sinh viên sẽ được đưa 1 chủ đề để viết, và dựa vào những bài đọc trước đó để trích dẫn làm evidence. Nếu bạn hiểu tốt về bài đọc được giao, thì khi vào phòng thi bạn sẽ viết tốt. Nhưng mình nghĩ không khó lắm đâu, vì bài đọc được giao cho bạn trước 2 ngày, trong 2 ngày ở nhà, bạn sẽ tra từ điển, tìm cách hiểu, hoặc hỏi ai đó, tùy bạn…
– Môn nghị luận XH (I.S): bạn được giao đến 5 bài đọc, những bài này trong quá trình học bạn đã đọc qua rồi. Tới khi vô phòng thi, người ta sẽ lấy ra khoảng 3 bài thôi, rồi đặt câu hỏi cho từng bài, bạn trả lời bằng cách viết essay.
– Môn critical thinking: khi vô phòng thi, bạn được đưa cho 3 bài đọc, rất dễ hiểu, bạn đọc nhanh trong vòng 30 phút, take note. Trong giấy thi bạn sẽ thấy có 1 chủ đề giống như writing task 2 của IELTS, bạn sẽ viết và chọn ý tưởng trong 3 bài đọc đó để support cho ý kiến của mình. Vì những bài đọc này là đưa trực tiếp tại phòng thi, nên bạn cứ yên tâm rằng nội dung rất dễ hiểu và dường như không có từ vựng mới.
– Môn ngữ pháp (LU): bạn sẽ làm 1 test online về ngữ pháp, chọn câu đúng/sai. Đối với mình thì môn này dễ.
Hy vọng thông tin này bổ ích cho bạn!