Viết Về Lòng Nhân Đạo Của Người Dân Canada

Cách đây vài ngày mình đi họp, trùng vào ngày 11 tháng 9 nên có dịp hồi tưởng với bạn bè một số sự kiện đáng nhớ.
Cách đây 14 năm, khủng bố đã làm sập hai tòa tháp đôi tại New York, phá hủy một phần Lầu Năm Góc và làm rơi một máy bay. Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ không phận của Bắc Mỹ, tính luôn cả Canada bị đóng, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Canada trong giây phút đó đã kề vai sát cánh giúp đỡ cho hàng xóm, cũng là đồng minh thân cận nhất của mình. Chiến dịch nổi tiếng Operation Yellow Ribbon đã ra đời trong thời gian đó.
Mục đích của chiến dịch này là giúp hạ cánh tất cả các máy bay trên đường đến Mỹ tại các sân bay Canada, qua đó thanh lọc xem có tiềm ẩn khủng bố hay không, sau đó sẽ cho phép bay vào Mỹ khi cửa không vận được mở trở lại.
Gần 300 máy bay đã đáp rải rác trên khắp Canada. Tuy nhiên phần lớn vào Halifax, Gander và Vancouver. Trong đó Halifax và Gander nhận gần 80 máy bay và gần 20,000 hành khách. Vì lý do an ninh nên chính phủ đã hạn chế máy bay đáp xuống Toronto, Montreal và Ottawa.
Chiến dịch Operation Yellow Ribbon sau khoảng 4 ngày thì kết thúc, để lại dấu ấn sâu đậm trong quan hệ Mỹ – Canada, hai đồng minh thân cận qua bao nhiêu thế hệ. Người Mỹ đặc biệt biết ơn về lòng hiếu khách và sự tiếp đãi ân cần không toan tính của người dân Canada, trong đó thị trấn Gander đã đi vào lịch sử.
Thị trấn Gander nhỏ bé, nằm ở phía bắc của tỉnh bang New Foundland đã tiếp nhận khoảng 38 máy bay loại lớn và gần 7,000 hành khách, trong khi toàn thị trấn chỉ có khoảng 10,000 dân. Tưởng tượng Sài Gòn một ngày đẹp trời có 6 triệu người đáp xuống Tân Sơn Nhất và cần giúp đỡ.
Ngày đầu tiên hầu như tất cả các máy bay phải đậu tại sân bay, hành khách phải ngồi trên máy bay đợi an ninh kiểm soát và cho phép mới được xuống. Cũng trong ngày đó, toàn thị trấn thông báo và phân công trách nhiệm giúp đỡ cho hành khách.
Toàn bộ trường học, nhà thờ, hãng xưởng, cửa hàng hầu như đồng loạt đóng cửa, mọi người nghỉ ở nhà để giúp đỡ cho hành khách bị kẹt tại đây. Qua những giây phút lo lắng và bỡ ngỡ ban đầu, hầu hết hành khách đều cảm thấy hạnh phúc và ngạc nhiên trước lòng tốt của người dân ở thị trấn nhỏ bé này.
Vì số lượng người quá đông nên trường học và nhà thờ đã được sắp xếp lại thành những phòng ngủ rộng lớn. Người dân thay phiên nấu ăn, đổ rác giúp giặt đồ vì hành khách không có quần áo để thay do hành lý không được rời khỏi máy bay. Tất cả nhà của người dân đều mở cửa cho mọi người vào tắm. Người già cả được ở chung với các gia đình. Toàn bộ các cửa hàng mở cửa để mọi người có thể vào lấy những vật dụng cần thiết, trong đó túi ngủ và kem đánh răng là những món hàng khan hiếm.
Thực phẩm được chở tới từ khắp mọi nơi, sân trượt băng được biến thành tủ lạnh lớn nhất thế giới. Nhiều trường hợp cần thuốc men như nhức đầu, tiểu đường, cảm cúng…đều được các pharmacy cung cấp cho các bệnh nhân. Mọi người đi đến đâu cũng được người dân hỏi han xem có cần giúp đỡ hay không. Tất cả hoàn toàn miễn phí.
Có một em bé 4 tuổi vì để đồ chơi trên máy bay nên rất nhớ và khóc. Một gia đình đã tổ chức một buổi tiệc cho em để làm em vui. Có một bà hành khách có chồng làm gần khu World Trade lúc nào cũng lo cho chồng, không biết ông ra sao, mỗi đêm đều khóc, người chủ nhà cùng khóc theo bà mỗi đêm. Có một đôi vợ chồng có một người con là lính chữa cháy, là một trong số người đầu tiên có mặt tại World Trade Center. Ông bà Hannah ngày đêm ngồi kế điện thoại chờ tin con. Cùng chờ tin với ông bà là bà Beulah Cooper, người dân ở đây. Và họ đã cùng khóc khi biết tin Kevin, người con trai của ông bà đã chết khi tòa nhà sập.
Sau vài ngày ở đây, hầu như tất cả các hành khách trên từng chuyến bay đều biết tên của nhau, đều biết tên của người dân đã giúp đỡ mình. Một thị trấn nhỏ bé hầu như không ai biết đến đã ở trong tim của mọi người. Khi chia tay ra sân bay, tất cả mọi người đều xúc động. Họ cho nhau số phone, địa chỉ nhà, email để liên lạc.
Hãng hàng không Lufthansa của Đức đã bày tỏ lòng biết ơn thị trấn nhỏ bé bằng cách lấy tên Gander đặt cho một chiếc máy bay mới của họ.
Riêng một nữ hành khách tên Shirley Brooks-Jones đã không thể đợi, nên khi vừa lên lại chiếc máy bay Delta 15 thì bà đã xin phi công cho nói chuyện với tất cả bạn bè đi chung trên máy bay. Bà muốn làm gì đó cho thị trấn Lewisporte (nằm kế Gander) và bà nghĩ đến quỹ học bổng cho ngôi trường trung học đã cho mọi người tá túc. Mọi người hưởng ứng và bà đã thu được gần 15 ngàn đô ngay lúc đó. Tính đến hôm nay, quỹ học bổng lấy tên Delta 15 này đã quyên góp hơn 1 triệu đô và đã giúp cho hàng trăm học sinh trung học vào đại học. Riêng bà Shirley đã quay lại Gander và Lewisporte 17 lần.
Cứ mỗi năm kỷ niệm 9/11, cái tên Gander lại được nhắc đến. Trong hoạn noạn mới thấy được tình người, vợ chồng bà Hannah mất đi người con trai nhưng đã được một người bạn tri kỷ là bà Beulah. Cho là nhận. Người dân lương thiện Gander đã nhận lại lòng tri ân của cả nước Mỹ. Các em học sinh lớn lên ở đây đã được học bổng vào các đại học nổi tiếng của Mỹ. Và cái vòng tròn đó được lập lại khi người dân Gander cứ mỗi lần kỷ niệm thì quyên tiền đóng góp cho các gia đình đã mất người thân vào 9/11.
Những hành khách được gọi là “plane people” này đã được đối xử thật nhân đạo, đầy tình người, cũng giống 60 ngàn “boat people” Việt Nam đã được chiến dịch Operation Lifeline cứu vớt cách đây gần 40 năm. Sắp tới Canada sẽ nhận hàng ngàn người dân Syria đến tị nạn. Lòng tử tế của con người ở khắp nơi trên đất nước lá phong này, không chỉ dừng lại tại Gander.
PS: các bạn cứ tự nhiên share để nhiều người cùng biết về những việc làm nhân đạo của người dân Canada. Cách đây vài năm khi kỷ niệm đúng 10 năm sự kiện 9/11 thì có một số bài viết rất hay của những người trong cuộc, các bạn tìm trên net sẽ có. Ngoài ra vào dịp Olympic tại Vancouver, đài NBC của Mỹ đã làm một cuốn phim tài liệu rất hay, xem tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=jXbxoy4Mges
Toronto tháng 9, 2015
Daniel Pham